Những nguyên nhân gây hư hại và làm giảm tuổi thọ của sàn bê tông :
• Nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tuổi thọ của sàn bê tông là sự không ổn định của lớp địa chất (cơ địa). Nếu xây dựng nhà máy, nhà xưởng trên cơ địa khá ổn định như nền đá ong, đất bazan…thì sàn bê tông ổn định và chắc chắn. Còn nếu xây dựng nhà máy trên nền ruộng đồng hoặc ao, hồ, đầm lầy.. thì sàn bê tông yếu, dễ gây ra hiện tượng nứt vỡ, lún thậm chí là sập nhà xưởng. Ở khu vực Miền Nam Việt Nam thì khu vực Củ Chi (TP. HCM), Biên Hòa (Đồng Nai), Tây Ninh được đánh giá là có cơ địa vững chắc và ổn định nhất, một số nơi như khu vực Huyện Bình Chánh (TP HCM) hay các khu vực ở Miền Tây là những khu vực có cơ địa yếu và thiếu ổn định nhất.
• Một nguyên nhân khác khiến cho sàn bê tông dễ bị hư hại là do kết cấu bê tông không chắc chắn, xây dựng kết cấu sàn bê tông không đúng tiêu chuẩn của ngành xây dựng. Theo từ điển của ngành xây dựng thì kết cấu bê tông là loại kết cấu xây dựng được thiết kế và cấu tạo bởi bê tông, một loại vật chất cứng được tạo bởi hỗn hợp xi măng, đá nghiền, cát, nước và các phụ gia khác. Kết cấu sàn bê tông là kết cấu bê tông được định vị bằng lõi sắt, thép. Kết cấu bê tông yếu là khi những thành phần cấu tạo nên được pha trộn không đúng công thức hoặc thành phần tham gia không đúng tiêu chuẩn. Khi kết cấu sàn bê tông yếu thường gây ra các hiện tượng bề mặt sàn bị nứt, vỡ, lún, sập…
Hình minh họa
• Bê tông non cũng là thủ phạm hàng đầu gây hư hại và làm giảm tuổi thọ cho sàn bê tông. Muốn nhận biết đâu là sàn có bê tông non, theo các chuyên gia xây dựng có hai phương pháp. Phương pháp thứ nhất là đem mẫu bê tông đến phòng thí nghiệm phân tích. Thông thường mác dùng cho sàn bê tông phải đạt từ 250 trở lên là sàn có khả năng chịu tải trọng tốt, đạt tiêu chuẩn, mác từ 250 trở xuống là bê tông non, mác càng xuống thấp chứng tỏ bê tông càng non và rất khó sửa chữa. Phương pháp thứ hai là kiểm tra thủ công bằng cách quan sát màu sắc cũng như dùng giấy nhám chà lên mặt sàn bê tông . Khi quan sát nếu thấy sàn bê tông có màu xanh thẫm hoặc xám thẫm (màu đậm) thì bê tông ấy là bê tông tiêu chuẩn, ngược lại thấy màu sắc sàn bê tông khá nhợt nhạt hoặc có màu trắng xanh thì là bê tông non. Khi dùng giấy nhám chà lên mặt sàn bê tông thấy nổi lên lớp cát nhỏ, mịn, nhuyễn và chắc thì đây là sàn bê tông tiêu chuẩn, còn khi thấy nổi lên lớp cát với hạt to, thô thì là sàn bê tông non. Cũng có trường hợp, bề mặt bê tông là bê tông tiêu chuẩn nhưng lớp bê tông phía dưới lại là bê tông non. Cho nên khi kiểm tra người ta thường dùng cái đục để kiểm tra toàn bộ sàn bê tông. Sàn bê tông non thường bị sùi cát, bị nứt hoặc bể, dễ bị mục khi bị nước hay hóa chất ngấm vào. Xử lý sàn bê tông non không dễ dàng vì nếu mức độ quá nghiêm trọng thì phải làm mới lại toàn bộ sàn bê tông.
• Ngoài các nguyên nhân trên, thì những hoạt động của con người là nguyên nhân trực tiếp và thường xuyên ảnh hưởng không tốt đến tuổi thọ sử dụng sàn bê tông. Nhiều nhà máy, nhà xưởng có những xe forklift hay xe nâng pallet có trọng tải lớn thường xuyên hoạt động trên bề mặt sàn bê tông khiến cho bề mặt sàn dễ bị nứt, vỡ và biến dạng bề mặt. Hơn nữa, dầu nhớt, dầu thắng từ những chiếc xe này hay bị vương vãi xuống sàn, ngấm vào kết cấu sàn bê tông gây ra hiện tượng bê tông bị mục hóa và làm mất thẩm mỹ trong khuôn viên nhà xưởng. Ở một số nhà máy thường xuyên sử dụng hoá chất thì mức độ hư hại của sàn bê tông tỏ ra nghiêm trọng hơn vì khi những hóa chất này ngấm vào kết cấu sàn bê tông, không những gây ra các hiện tượng nêu trên mà còn làm cho lõi sắt, thép bên trong bị gỉ, mục.
Tất cả những nguyên nhân đã nêu ở trên đều khiến cho sàn bê tông bị hư hại và làm giảm tuổi thọ sử dụng của sàn bê tông. Vì vậy, để tránh gặp phải những rắc rối không đáng có, các chuyên gia xây dựng đều khuyên chủ đầu tư trước khi thi công cần tư vấn kỹ các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Riêng về khía cạnh sàn bê tông, chủ đầu tư nên nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan đến cơ địa, nghiêm túc giám sát hoạt động thi công sàn bê tông đúng tiêu chuẩn.